LỒNG GHÉP CÁC MỤC TIÊU QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN VÀ BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC VÀO QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ – XÃ HỘI VÀ QUẢN LÝ KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN Ở VIỆT NAM

21/08/2023

Tổng quan dự án

Mục tiêu của dự án là góp phần giải quyết các thách thức từ hoạt động phát triển kinh tế – xã hội đe dọa tới tính bền vững của đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái tại các Khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam (KDTSQ) bằng cách hoàn thiện khung thể chế và chính sách, tăng cường phối hợp giữa các bên trong quá trình lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội ở cấp quốc gia và cấp tỉnh, thúc đẩy quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững, thúc đẩy bảo tồn và phục hồi đa dạng sinh học, và đẩy mạnh các mô hình sinh kế cộng đồng bền vững.

Được triển khai tại các Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm-Hội An, Tây Nghệ An và Đồng Nai, dự án hỗ trợ việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) qua việc tăng cường khả năng thích ứng của các hệ sinh thái cũng như nâng cao hiệu quả quản trị và sự tham gia của các bên liên quan, đặc biệt trong vấn đề lồng ghép bình đẳng giới.

Bối cảnh

Các hoạt động phát triển không bền vững từ việc khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường, phá rừng và biến đổi khí hậu, đã và đang tàn phá môi trường sống, các hệ sinh thái quan trọng và đa dạng sinh học. Dự án hướng tới việc cải thiện khung pháp lý, thể chế và các giải pháp nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực từ phát triển kinh tế xã hội với các rào cản chính sau đây:

Thiếu một khuôn khổ pháp lý và thể chế chung nhằm thúc đẩy các phương pháp tiếp cận tổng hợp để phát triển bền vững, cải thiện hệ sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học trong Khu dự trữ sinh quyển.

Cơ cấu tổ chức và năng lực của các bên liên quan tại các Khu dự trữ sinh quyển địa bàn của dự án còn nhiều bất cập.

Nhận thức còn nhiều hạn chế của các cơ quan ban ngành về phương pháp tích hợp quy hoạch cảnh quan đất liền và biển; và sự thiếu hiểu biết của cộng đồng, công chúng và khách du lịch về những rủi ro do suy thoái đa dạng sinh học và hệ sinh thái gây ra.

Các kết quả dự kiến chính

Mục tiêu của dự án:

  • 4.000 ha rừng suy thoái được phục hồi
  • 60.000 ha khu vực dành riêng (sử dụng không cạn kiệt) được quản lý bền vững
  • 2.500 hộ gia đình được hưởng lợi từ các mô hình sinh kế bền vững, với  thu nhập trung bình tăng thêm 20%: 9.350 người được hưởng lợi trực tiếp, trong đó 40% là phụ nữ
  • Ít nhất 1,22 triệu ha KDTSQ được quản lý thông qua các phương pháp có sự tham gia
  • Việc đề cử, lập kế hoạch và quản lý KDTSQ được quy định trong Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi, Nghị định và các hướng dẫn khác có liên quan.
  • Tăng trung bình ít nhất 30 điểm METT (Công cụ theo dõi hiệu quả quản lý) cho 6 Vườn quốc gia và Khu bảo tồn trong 3 KDTSQ.
  • Ít nhất 50% các cơ sở khách sạn và du lịch trong các KDTSQ được lựa chọn áp dụng chứng nhận thân thiện với đa dạng sinh học
  • Ít nhất 1.945.829 ha cảnh quan (trong vùng đệm KDTSQ và vùng chuyển tiếp) được quản lý bền vững

Các kết quả hợp phần của Dự án

Dự án dự kiến đạt được những kết quả sau để hạn chế các tác động đến tính bền vững của đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái của Khu dự trữ sinh quyển tại Việt Nam

  • Kết quả 1: Khung pháp lý và thể chế để tránh, hạn chế, giảm thiểu và bù đắp các tác động bất lợi đến đa dạng sinh học và giảm áp lực lên các hệ sinh thái trong các KDTSQ.
  • Kết quả 2: Sử dụng tài nguyên bền vững, quản lý các khu bảo tồn và các giải pháp phát triển thân thiện với đa dạng sinh học được lồng ghép vào công tác quản lý 03 Khu dự trữ sinh quyển mục tiêu.
  • Kết quả 3: Quản lý tri thức, giám sát và đánh giá hoạt động dự án đem lại giá trị đóng góp cho công cuộc bình đẳng giới và nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học

Hợp phần về bình đẳng giới và hòa nhập xã hội (GESI)

Lồng ghép bình đẳng giới là một yếu tố trong khung kết quả dự án, trong đó xác định mức độ đại diện và tham gia của các bên liên quan trong quá trình hoàn thiện khung pháp lý, hành động liên ngành hiệu quả, cũng như các hoạt động nâng cao năng lực và nhận thức.

Vấn đề bình đẳng giới và mức độ đại diện được nhấn mạnh trong việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào việc hoạch định chính sách liên quan đến KDTSQ thông qua các hoạt động tham vấn, tư vấn và tập huấn.

Các nhóm người bản địa trong ba Khu dự trữ sinh quyển địa bàn của dự án cũng là một phần của thiết kế dự án. Các vấn đề như việc làm, ổn định thu nhập, nâng cao năng lực và đào tạo sẽ được thúc đẩy và cải thiện cho cộng đồng địa phương, cụ thể hơn là cho phụ nữ và người bản địa.

Đóng